CÁC PHƯƠNG PHÁP TRONG HỆ THỐNG LÀM LẠNH
Không phải thực phẩm lúc nào cũng có sẵn, có những loại thực phẩm chỉ có theo mùa. Thực phẩm sẽ nhanh bị hư hỏng hoặc bị nhiễm phải các sinh vật gây bệnh dẫn đến hư hỏng..., khi ở trong một môi trường không thích hợp. Bài viết dưới đây xin chia sẽ các bạn các phương pháp trong hệ thống làm lạnh giúp thực phẩm được bảo quản hiệu quả và tươi ngon hơn.
1. Phương pháp làm lạnh tĩnh
Hầu như các phòng lạnh được trang bị các dàn lạnh tĩnh bay hơi trực tiếp hoặc làm lạnh gián tiếp qua nước muối. Không khí lạnh trong phòng đối lưu tự nhiên. Sản phẩm cần làm lạnh được xếp lên giá (rau quả) hoặc treo trên giá xe đẩy (thịt lợn nửa con hoặc thịt bò nửa hoặc một phần tư con). Giai đoạn đầu khi nhiệt độ sản phẩm còn cao có thể điều chỉnh để nhiệt độ phòng xuống đến -2ᵒC hoặc -3ᵒC. Giai đoạn cuối khi nhiệt độ sản phẩm xuống thấp, nâng nhiệt độ phòng lên -1ᵒC đến 0ᵒC.
Với phương pháp làm lạnh tĩnh có tốc độ làm lạnh chậm, tốn diện tích làm lạnh nhưng độ khô hao thực phẩm nhỏ, độ ẩm không khí cao. Nếu dùng phương pháp này chọn tủ lạnh cũ (máy lạnh cũ) là tốt nhất.
2. Phương pháp làm lạnh tăng cường
Hầu như các phòng lạnh được trang bị các loại dàn quạt. Dàn lạnh có thể là giàn bay hơi trực tiếp qua nước muối. Tốc độ lưu thông không khí trong phòng có thể lên tới 3-4 m/s. Ở giai đoạn đầu nhiệt độ có thể hạ xuống đến -5ᵒC cho thịt lợn và – 1ᵒC cho thịt bò, giai đoạn sau nâng nhiệt độ lên -1 – 0ᵒC và tốc độ không khí giảm xuống còn một nửa. Độ ẩm không khí duy trì từ 85 – 95ᵒC.
Vì có tuần hoàn không khí nên quá trình làm lạnh tăng, thời gian làm lạnh rút ngắn. Cần chú ý để sản phẩm không bị đóng băng. Tổn hao khối lượng do khô hao lớn hơn phương pháp làm lạnh tĩnh. Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm thịt cá, rau quả,… phòng lạnh có thể xây dựng theo kiểu tunel có xe đẩy chất sản phẩm và đường ray đẩy vào và ra.
3. Phương pháp làm lạnh phun
Hầu như các phòng lạnh được trang bị các buồng phun nước muối. Không khí trao đổi nhiệt ẩm trực tiếp với nước muối, sau đó vào làm lạnh sản phẩm. Phương pháp này giảm được tổn hao khối lượng do độ ẩm rất cáo, tránh được ô xi hóa mỡ, giữ vitamin. Nhược điểm của phương pháp này là không dùng được cho các sản phẩm kị ẩm và kị thấm muối.
Với phương pháp này sử dụng rất hiệu quả đối với gà, vịt, gia cầm đóng trong bao nilong hút chân không. Có thể phun trực tiếp nước muối lạnh lên sản phẩm. Đối với rau quả dùng nước lạnh gần 0ᵒC xối trực tiếp vừa tác dụng làm lạnh vừa tác dụng tẩy rửa rau quả.
4. Phương pháp làm lạnh bằng cách nhúng sản phẩm trong nước muối lạnh
Để làm lạnh, có thể nhúng sản phẩm trực tiếp trong nước muối lạnh, nước lạnh, nước biển đã làm lạnh. Do hệ số trao đổi nhiệt độ rất lớn giữa nước muối và sản phẩm nên thời gian làm lạnh rút xuống đáng kể. Phương pháp này có thể sử dụng rất hiệu quả cho các sản phẩm đóng gói trong bao bì nilong kín như gà, vịt, gia cầm. Người ta cũng có thể sử dụng phương pháp này để làm lạnh cá không cần bao nilong. Tuy nhiên khi ngâm cá không có bao nilong trong nước biển lạnh cá bị trương và khối lượng tăng tới 10% nên phải cho thêm phụ gia vào nước biển lạnh để cân bằng áp suất thẩm thấu.
5. Phương pháp ướp đá, vùi tuyết
Phương pháp làm lạnh cá thông dụng nhất là phương pháp ướp đá. Đá được đạp vụn hoặc xay vụn, sau đó có thể được trộn thêm với muối hoặc chất kháng sinh rồi mang bảo quản cá. Đá và cá được xếp thành từng lớp và sau một thời gian nhất định có thể làm chặt thêm vì một số đã đã tan. Nếu cá đã được làm lạnh trong nước muối thì sẽ đỡ tốn đá khi ướp và thời gian giữ đá trong hòm cá sẽ lâu hơn nhiều.
Ướp đã cũng có thể sử dụng cho các loại sản phẩm khác biệt rau quả. Chỉ cần xếp đá vào các ngăn bảo ôn sau đó đặt thực phẩm hoặc rau quả ở giữa. Nhiệt độ của thực phẩm hoặc rau quả được giảm xuống gần đến nhiệt độ đá tan 0ᵒC. ở các nước xứ lạnh, người ta có thể sử dụng phương pháp này vùi tuyết để bảo quản thực phẩm và rau quả.
6. Phương pháp làm lạnh chân không
Và đây là phương pháp làm lạnh mới dùng cho rau quả là chính. Rau quả được xếp vào một phòng kín bằng kim loại, sau khi đóng kín phòng được hút chân không nhờ các máy nén kiểu ejecto. Dưới áp lực chân không, hơi nước từ chính rau quả bốc ra để làm lạnh rau quả. Phương pháp này có ưu điểm là quá trình làm lạnh rất nhanh, đảm bảo chất lượng và mỹ quan sản phẩm.